Mekong Water Challenge

Mekong Water Challenge

Cần Thơ, Hà Nội , Viet Nam

Mon, 06 May 2024 to Fri, 06 Oct 2023

Tuyên bố vấn đề: Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi sinh sống của 21,5 triệu người. Khu vực này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nước khẩn cấp do biến đổi khí hậu và các vấn đề trong việc sử dụng nước gây ra. Do đó, việc cung cấp nước sạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tính bền vững của khu vực trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu.

Trong Thử thách này, chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp về nước để giải quyết 1) xâm nhập mặn, 2) ô nhiễm nước, 3) các vấn đề trong việc sử dụng nước. Các giải pháp phải nhằm mục đích tăng cường nguồn cung cấp nước sạch và khả năng phục hồi của nước trong khu vực.

Bối cảnh:

Nước định hình nên lịch sử và văn hóa của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trong hàng nghìn năm nay, chúng ta không ngừng kiếm sống từ ngành đánh bắt cá, trồng trọt và giao thương đa dạng sinh học của khu vực. Cũng nhờ đấy, nền ẩm thực đặc sắc và sự độc đáo của chợ nổi đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới và không những thế, Việt Nam còn là nước sản xuất lúa gạo đứng thứ 2 thế giới!

Biến đổi khí hậu tác động đến khu vực và tài nguyên nước

Lịch sử cho thấy, Đồng Bằng Sông Cửu Long từng được ban tặng nguồn nước vô cùng dồi dào. Chúng ta được bao quanh bởi nước và có quá nhiều nước sạch. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang thay đổi thực tế này với tốc độ chưa từng thấy. Mực nước biển dâng, hạn hán, kết hợp với dòng chảy bất thường ở thượng nguồn đang gây ra tình trạng nhiễm mặn trên toàn khu vực.

2011 là năm của trận lụt cuối cùng trong khu vực, ảnh hưởng đến 8/12 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. 2014-2016 đánh dấu trận hạn hán lớn đầu tiên mà khu vực này phải đối mặt, dẫn đến thiệt hại khoảng ~5.500 tỷ đồng ở tất cả các tỉnh.

  • Cụ thể hơn, ước tính thiệt hại 3000 tỷ đồng - 160.000 ha đất nông nghiệp bị nhiễm mặn dẫn đến mất mùa hoàn toàn hoặc hiệu quả thu hoạch giảm xuống dưới 40%.
    • Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất: Kiên Giang, Cà Mau (>50.000 ha mỗi tỉnh). Sau đó là Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu (9.000-15.000 ha mỗi tỉnh), và Tiền Giang, Hậu Giang (>1.000 ha mỗi tỉnh).
  • 1000 tỷ đồng - sửa chữa kênh mương, ảnh hưởng giao thông vận tải đường thủy, thiệt hại kinh tế do gia súc chết do thiếu nước sạch, dịch bệnh do thiếu nước sinh hoạt, hạn hán, xâm nhập mặn.
  • 500 tỷ đồng - thiếu nước sinh hoạt cho khoảng ~160.000 hộ gia đình, tương đương với khoảng ~600.000 người.
    • Tình trạng thiếu nước uống khiến cộng đồng phải trả giá quá cao cho nước sạch hay việc uống nước mặn hoặc nước ngầm bị ô nhiễm. Các tác động sức khỏe và chi phí phát sinh của chúng (ngay lập tức hoặc sau này) không được ước tính đầy đủ ở đây.
  • 200 tỷ đồng - nuôi tôm, cá, hàu

Tác động của con người vào nguồn cung cấp nước của khu vực

Cùng với biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng của chúng ta đang làm giảm khả năng cung cấp nước sạch. Cách thức quản lý và cả việc thực hành quản lý nước của chúng ta không thích ứng với thực tế biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, việc lọc nước mặn, nước bị ô nhiễm là cực kì đắt đỏ và khó khăn; và việc lọc nước mưa thì dễ dàng hơn nước sông do mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn xả nước bẩn vào các sông và đại dương. Và rồi chính các công ty cấp nước và cộng đồng lại thường phải khai thác nước ngầm - nguồn nước thường bị ô nhiễm, nên cách làm này cũng sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Năm 2022, Ủy ban sông Mekong Quốc gia Việt Nam dự báo khu vực sẽ tiếp tục trải qua một mùa khô với sự khan hiếm tài nguyên nước, tương tự như những gì đã xảy ra trong năm trước.

Câu hỏi đặt ra cho những người tham gia Thử thách

Trong thách thức này, chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp về nước để giải quyết 1) xâm nhập mặn, 2) ô nhiễm nước, 3) các vấn đề trong việc sử dụng nước. Các giải pháp phải nhằm mục đích tăng cường nguồn cung cấp nước sạch và khả năng phục hồi của nước trong khu vực.

Nước sạch có thể được phân loại thành 1) nước có thể uống được, 2) nước sinh hoạt có thể sử dụng cho hoạt động hàng ngày của gia đình, 3) nước đủ tiêu chuẩn để thải ra các vùng nước mở như sông và biển.

Nước là một hệ thống liên quan chặt chẽ với nhiều hệ thống khác như: con người, nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, thủy sản, v.v. Các giải pháp có thể ở nhiều hình thức khác nhau. Do đó, những người tham gia Thử thách sẽ cần thực hiện các chuyến thực địa những khu vực bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về nước để thực sự hiểu về tình hình hiện tại.

Một số ví dụ về các giải pháp công nghệ và phi công nghệ bao gồm, nhưng không giới hạn:

  • Công nghệ: lọc nước, dự báo nước, hệ thống quản lý nước, các công cụ hỗ trợ ra quyết định cho người dùng và cơ quan quản lý, thu gom nước mưa, v.v.
  • Phi công nghệ: các mô hình gắn kết cộng đồng để sử dụng nước hiệu quả hơn, các mô hình kinh doanh đổi mới để triển khai một công nghệ đã có sẵn nhưng chưa được sử dụng rộng rãi trong khu vực.

Thời hạn đăng ký: 5/6 - 2/7/2023