Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển hệ thống Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Ngày 15/12/2023 12:00 AM (GMT +7)

 

Khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp luôn là một nguồn lực quan trọng của mỗi quốc gia, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với thế mạnh đó, việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được xác định là động lực chính để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã hình thành, bao gồm đầy đủ các thành phần quan trọng: Các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu,…

Các thành tố trong hệ sinh thái chính sách, tài chính, văn hóa, thị trường, nhân lực và các hỗ trợ ngày càng có những liên kết khăng khít, tương tác và hỗ trợ nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Với lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng công nghệ ngày càng được đầu tư và phát triển cùng với sự dẫn dắt của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế…

Theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó 11 startup được định giá hơn 100 triệu USD và 4 kỳ lân công nghệ (startup được định giá hơn 1 tỷ USD).

Tại Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năm 2023, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm trước.

Đáng lưu ý, Báo cáo này cũng ghi nhận Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong 10 năm qua và là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp, bên cạnh Ấn Độ và Cộng hòa Moldova.

Để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa và có tính bền vững, Chính phủ cần đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. 

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN là đầu mối thực hiện việc thành lập 3 Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại 3 thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021)

Bộ KH&CN đã có văn bản hướng dẫn hình thành và phát triển Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương, bộ, ngành, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp ĐMST. Việc hình thành trung tâm căn cứ vào nguồn lực nội tại và nhu cầu thực tiễn của địa phương, định hướng trung tâm trở thành hạt nhân của hệ sinh thái địa phương, đầu mối kết nối, khai thác các nguồn lực, liên kết vùng, quốc gia và quốc tế.

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong xây dựng hệ thống và mạng lưới Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia đã xây dựng hệ thống Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và liên kết các mạng lưới hỗ trợ. Trong đó nổi bật là Trung Quốc với hệ thống mạng lưới các trung tâm ĐMST gồm: trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, các trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh và mạng lưới các khu trình diễn ý tưởng ĐMST. Với trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, Chính phủ Trung Quốc coi công tác phát triển hoạt động ĐMST là cơ chế quan trọng để thúc đẩy hoạt động ĐMST khởi nghiệp kinh doanh rộng khắp. Trong kế hoạch “Made in China 2025”, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ thiết lập mạng lưới các trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia dựa trên 10 lĩnh vực được xác định là cốt lõi trong quá trình phát triển. 

(Các lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong chiến lược “Made in China 2025”)

Mỗi trung tâm này sẽ tập trung vào một ngành hoặc một lĩnh vực, đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển đa ngành, đa lĩnh vực giữa các công ty, đơn vị học thuật và chính quyền, ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – những công nghệ có khả năng đảm bảo duy trì vị trí quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Mạng lưới này giúp cải thiện năng lực và hiệu quả ĐMST của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo ra những đột phá nhảy vọt, ươm mầm nhân tài lãnh đạo toàn cầu trong một số lĩnh vực công nghệ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang hỗ trợ phát triển 48 trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh. Các trung tâm cấp quốc gia và trung tâm cấp tỉnh đã thiết lập nên hệ thống ĐMST xuyên suốt, trong đó các trung tâm cấp quốc gia giữ vai trò chủ đạo với sự hỗ trợ quan trọng từ các trung tâm cấp tỉnh. Đồng thời, Trung Quốc thành lập các khu trình diễn sáng kiến ĐMST để thu thập kinh nghiệm nhằm phát triển ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc xác định các lĩnh vực tập trung cốt lõi gắn liền với trung tâm ĐMST giúp huy động được nguồn lực để phát triển, từ đó cải thiện hiệu quả chính sách ĐMST và nâng cao năng lực ĐMST của Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, trong báo cáo đánh giá đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số cụm đổi mới sáng tạo là một chỉ tiêu rất quan trọng. “Nếu không phát triển các cụm khởi nghiệp, cụm đổi mới sáng tạo thì Việt Nam vẫn hoạt động theo từng tổ chức địa phương một cách manh mún”, ông nói và gợi ý, có thể phát triển cụm cho các ngành, lĩnh vực như vi mạch, thủy sản, dược liệu…

Ông cho biết, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chuẩn hóa các khái niệm, định nghĩa, nội hàm cũng như quy định các loại hình tổ chức, nhân lực, nguồn lực cho mô hình trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp và các tổ chức khác. 

Thảo Anh