Đổi mới sáng tạo mở: Cơ hội cho startup Việt
Ngày 12/6/2024 8:43 AM (GMT +7)
Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ như hiện nay, và do nhu cầu và hành vi của khách hàng không ngừng biến đổi, rất ít doanh nghiệp trên thế giới có thể tự tin nghiên cứu và phát triển công nghệ mới theo kiểu khép kín mà không tích hợp vào quá trình đổi mới sáng tạo, liên kết các sáng kiến và ý tưởng từ bên ngoài doanh nghiệp.
Hiện nay, ngay cả những ông lớn của Nhật Bản như Honda, vốn trung thành với chiến lược tự chủ nghiên cứu và sản xuất mọi thứ bên trong công ty, giờ đây cũng phải hợp tác với các đối thủ và các công ty startup để nghiên cứu các công nghệ mới, đặc biệt công nghệ pin điện dành cho ô tô chạy điện.
Việc các tập đoàn lớn của Việt Nam mua lại các công ty khởi nghiệp (ví dụ Viettel), liên doanh thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm (như FPT là đồng sáng lập của VIISA), hay mua lại công nghệ sản xuất tiên tiến từ đối tác (như Vinfast mua công nghệ sản xuất động cơ ô tô của BMW) dự báo xu hướng ĐMST mở sẽ ngày càng phổ biến ở Việt Nam.
Theo Ông Trần Văn Tùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Đổi mới sáng tạo mở” là cụm từ nóng được nhắc tới nhiều thời gian qua. Giờ đây các doanh nghiệp không chỉ tự đổi mới sáng tạo trong phạm vi chính doanh nghiệp của mình, mà cần “bắt tay” nhau, đồng hành, cùng đưa ra giải pháp để đổi mới. Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tập trung vào “thị trường ngách”, cung cấp các giải pháp mà tập đoàn, công ty lớn đang thiếu để tạo nên hệ sinh thái cùng phát triển.
(Ông Trần Văn Tùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
Từ kinh nghiệm của Singapore về thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở…
Chính phủ Singapore đã nhận thấy tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các công ty mới thành lập không có đủ nguồn lực, công nghệ và chuyên môn để đổi mới và giải quyết những vấn đề liên ngàng mang tính chất đa lĩnh vực. Không chỉ vậy, các công ty nhỏ hơn lại gặp vấn đề trong việc tìm đối tác để cùng phát triển các giải pháp sáng tạo. tế. Để đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông thông tin (ICM) Cơ quan Phát triển Truyền thông thông tin Singapore (IMDA) đã phát triển Nền tảng đổi mới sáng tạo mở (OIP) – một nền tảng tìm kiếm các giải pháp từ cộng đồng, hợp tác xây dựng các giải pháp mới giải quyết các vấn đề kinh doanh thực tế.
Về phía cung ứng, IMDA làm việc với các công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore, các nhà nghiên cứu và các cá nhân khác. Ngoài ra, IMDA cũng làm việc với Viện nghiên cứu (RIs) và Viện nghiên cứu đại học (IHL) để khai thác chuyên môn nghiên cứu nếu có liên quan. Về phía nhu cầu, “chủ sở hữu vấn đề” bao gồm hiệp hội thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ quan chính phủ và công ty công nghệ. Thông qua OIP, các “chủ sở hữu vấn đề” sẽ có thể khai thác một mạng lưới những công ty, chuyên gia tài năng để giải quyết những thách thức và vấn đề kinh doanh của họ. Việc này giúp đẩy nhanh quy trình giải quyết vấn đề và tăng cơ hội tìm ra các giải pháp hiệu quả hơn.
Một ví dụ điển hình là startup Vouch đã bắt tay vào hoạt động đồng đổi mới đầu tiên với khách sạn Andaz Singapore, trong khuôn khổ thách thức đổi mới khách sạn của Tổng cục Du lịch Singapore. Với việc cung cấp công nghệ phù hợp với ngành du lịch, Vouch đã chiến thắng thử thách và bắt đầu hợp tác chặt chẽ với Andaz Singapore để xây dựng một dịch vụ trợ giúp kỹ thuật số giúp giải đáp các thắc mắc, như đề xuất điểm du lịch và giải thích rõ ràng về thủ tục nhận phòng, cho trung tâm cuộc gọi và văn phòng lễ tân của họ.
Vouch đã chiến thắng bốn thử thách, điều này đã giúp họ hợp tác với các tổ chức lớn như Hyatt Hotels, Tập đoàn khách sạn Pan Pacific và thậm chí cả Ủy ban Di sản Quốc gia. Những lợi ích thu được từ việc tham gia vào các kêu gọi đổi mới của OIP, cũng như các cơ hội sẵn có để trở thành một phần của hệ sinh thái hỗ trợ và giải pháp kỹ thuật số rộng lớn hơn của IMDA, đã khiến startup này thường xuyên tham gia nền tảng đổi mới sáng tạo mở
(Với sự trợ giúp của Nền tảng đổi mới mở của IMDA, công ty khởi nghiệp trong nước, Vouch, đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng nhờ cải tiến sản phẩm, mở rộng mạng lưới và thâm nhập vào các thị trường mới)
…Đến bài học áp dụng cho Việt Nam
Với những kinh nghiệm đã triển khai của Singapore, được sự chia sẻ kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế và sự hỗ trợ và đồng hành của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), Công ty CP TAO đã phối hợp với Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) ra mắt nền tảng đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Platform) viết tắt là OIP.
Cơ chế cơ bản của nền tảng ĐMST được bắt đầu từ việc các công ty lớn phát hiện nhu cầu trong thị trường; sau đó, thay vì nghiên cứu và phát triển ý tưởng trong nội bộ, doanh nghiệp đi tìm các nguồn ý tưởng ĐMST ở bên ngoài, đặc biệt là từ doanh nghiệp KN ĐMST và các công ty nhỏ và vừa, nhằm tìm ra những giải pháp mang tính sáng tạo và đột phá hơn. Đây là cơ hội để họ phát triển những sản phẩm mới và đáp ứng chính xác nhu cầu thị trường.
Nền tảng được kỳ vọng không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi công ty mà còn hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp KNĐMST tiếp cận đến với những cơ hội làm việc, hợp tác mới trong Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Quỳnh Phương