Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngày 12/10/2023 2:45 PM (GMT +7)

 

Sáng ngày 12/10/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. 

Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về thực trạng, giải pháp định hướng cho việc thành lập và phát triển hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước. Sự kiện được đồng chủ trì bởi Ông Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Văn Quảng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng; Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và có sự tham gia của Lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ sở đào tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng, một số địa phương trong cả nước, đại diện Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam.

(Ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo)

Từ khi Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, sửa đổi bổ sung vào tháng 2/2021 tại Quyết định số 188/QĐ-TTg, môi trường, hạ tầng và hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được hình thành và cải thiện theo chiều hướng hết sức tích cực.

Đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2022 đạt 634 triệu USD. Theo Báo cáo GII 2023, Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đánh giá về trình độ phát triển tương quan giữa các khu vực của Việt Nam, hiện nay đầu tàu của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn là thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, TP. Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trực thuộc Sở KH&CN; đồng thời, phối hợp với Bộ KH&CN triển khai thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Trung tâm) tại Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP. Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung  - Tây Nguyên nói chung, kết nối hệ sinh thái cả nước và quốc tế.

Đến nay, Đà Nẵng đã hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST thành phố và 2 trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học, 9 vườn ươm, 4 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung, 4 quỹ đầu tư khởi nghiệp và các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng cùng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

(Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại Hội thảo)

“Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố ngày càng phát triển, với các trụ cột chính là: cơ quan Nhà nước; viện nghiên cứu, trường đại học; tổ chức hỗ trợ; cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể liên quan cùng tham gia tích cực vào hệ sinh thái”, ông Chinh nhấn mạnh. 

Hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Thành phố đã có các kết quả tích cực và đi vào chiều sâu. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp ĐMST từng bước được đầu tư, hoàn thiện. Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng, trong đó một số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đã thu hút được vốn từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Những con số trên cho thấy Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đang trên đà phát triển, nhưng cần nhiều cú hích để phát triển mạnh mẽ hơn. 

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu thực tế, thành phố Đà Nẵng đã bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng đầu tư khu công viên phầm mềm thu hút rất nhiều doanh nghiệp vào đầu tư khởi nghiệp. Nhưng, cái khó là cơ chế để vận hành trung tâm này. Nhà nước phải kiến tạo và tạo ra hạ tầng cho các startup khởi nghiệp chứ không phải là hỗ trợ tiền.

“Phần đầu tư đã khó nhưng khó thứ 2 là cơ chế vận hành nó. Tôi rất đồng tình là nhà nước phải là người kiến tạo và tạo ra các hạ tầng để cho các star up khởi nghiệp. Chứ bây giờ họ khởi nghiệp mà bảo họ phải đi thuê, mất chi phí này chi phí kia, đi thuê thì sao có được”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đi đầu trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đề nghị Nhà nước hỗ trợ về cơ sở vật chất, tài chính, hạ tầng cho doanh nghiệp để họ mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp.

“Hiện nay luật thì có nhưng chưa có các hướng dẫn cụ thể việc Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động này thông qua cơ chế tài chính và đầu tư trực tiếp. Tức là đầu tư giống như kích cầu, vốn mồi, ví dụ, bỏ 20% cổ phần của Nhà nước vào vốn vào thông qua quỹ đầu tư đó nhưng vận hành cứ để quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân họ hoạt động. Đấy là một phần tiếp sức nguồn lực của Nhà nước cho hoạt động quỹ đầu tư mạo hiểm khu vực tư nhân”, ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.

Từ thực tiễn cho thấy, các Trung tâm cần có sự kết nối chặt chẽ hơn để thu hút nguồn lực đầu tư và chuyên gia trong và ngoài nước, tăng cường liên kết giữa trung ương và địa phương, giữa tư nhân và khu vực công, giữa trong nước và quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những Trung tâm tương tự ở các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển thực sự trở thành bệ đỡ, nền tảng trụ cột để phát triển hệ sinh thái, thông qua cộng hưởng được nguồn lực của nhiều bên, nhiều khu vực trong xã hội cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cũng tại hội thảo, các bên đã thảo luận về thực trạng, giải pháp và định hướng cho việc thành lập và phát triển hệ thống các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, đặc biệt là hành lang pháp lý, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp, cơ chế phối hợp, vai trò địa vị pháp lý của Trung ương và địa phương để từ đó đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách. 

Thảo Anh