Miền Trung, Tây Nguyên kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp
Ngày 02/6/2024 10:05 AM (GMT +7)
Ngày 01/6/2024 tại Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) đã tổ chức hội nghị “Kết nối hệ sinh thái khu vực miền Trung và Tây Nguyên”. Hội nghị quy tụ hơn 150 đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cùng nhiều cán bộ quản lý, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp trong khu vực.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong đó, Tây Nguyên được Bộ Chính trị xác định mục tiêu trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn. Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại…; đến năm 2045, vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á.
Để thực hiện những định hướng này, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên xác định việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hội nghị kết nối được tổ chức nhằm huy động, tăng cường kết nối nguồn lực, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các đại biểu thảo luận, tiếp cận sâu sắc hơn thực trạng, những khó khăn, thách thức và đề xuất được nhiều giải pháp hữu ích, cụ thể trong việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho vùng. Đây cũng là cơ hội quan trọng để kết nối và thúc đẩy các hoạt động hợp tác các bên trong thời gian tới.
(Hội nghị “Kết nối hệ sinh thái khu vực miền Trung và Tây Nguyên”)
Miền Trung, Tây Nguyên – Nhiều lợi thế để thúc đẩy khởi nghiệp
Ông Võ Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà nẵng đã chia sẻ về các hoạt động đã và đang dự kiến triển khai trong năm 2024. đồng thời nhấn mạnh vào các mục tiêu cụ thể, các hoạt động dự kiến và các chiến lược đổi mới.
Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng đang ngày càng phát triển. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách, kế hoạch liên quan đến việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và chú trọng phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng đã có các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư hiệu quả
Trong năm 2024, Trung tâm tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức chương trình Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng; Triển khai các hoạt động kết nối phát triển thị trường khoa học công nghệ tại Đà Nẵng cũng như các địa phương khác. Đặc biệt là tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng – Surf 2024. Chương trình được tổ chức thường niên nhằm nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển và thu hút đầu tư quốc tế.
Ông Cao Quốc Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bài chia sẻ về “Làn sóng thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Huế”. Ông nhận định, cùng với đà phát triển về các hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo tại Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế cũng đang đẩy mạnh thu hút sự quan tâm của các đơn vị trong hệ sinh thái. Theo ông, Huế có điểm mạnh về du lịch, đặc biệt là du lịch, văn hóa. Chính vì vậy, để khai thác được giá trị di sản, giá trị thiên nhiên phong phú, đây nên trở thành một nền công nghiệp văn hóa, là một bộ phận của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. Để thực hiện được mục tiêu đó chính là nhờ khả năng đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực du lịch, thiết kế, truyền thông, điện ảnh, trò chơi, quảng cáo, kiến trúc, thủ công…
Liên kết vùng để thúc đẩy khởi nghiêp sáng tạo
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST khu vực miền Trung - Tây Nguyên tuy đã có bước tiến so với năm 2026, thời điểm trước khi Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Tuy nhiên, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong khi có nhiều tỉnh thành đang phát triển thì có những tỉnh thành hoạt động chưa mang lại nhiều hiệu quả.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ chia sẻ: Chính quyền và các doanh nghiệp các tỉnh thành đã dành nhiều sự quan tâm đế xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, chúng ta còn phải làm nhiều việc hơn nữa bởi giá trị thước đo cuối cùng số lượng startup thành công, giải quyết được những thách thức lớn của địa phương, xã hội và doanh nghiệp. Một số địa phương còn khó khăn về nhân lực, thị trường thì câu chuyện này còn khó thành công. Vì vậy, chúng ta cần phải đi vào chiều sâu hơn, có những khu thử nghiệm mới để lan tỏa những mô hình hay ở các trung tâm lớn về địa phương. Thay vì, chúng ta chỉ chăm sóc các startup lớn ở các trung tâm để họ lớn mạnh thì ta cần liên kết, mời các startup thành công ở nơi khác, thậm chí cả quốc tế về để phát triển mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới để tạo ra những câu chuyện đột phá ở các địa phương.
Theo ông Phạm Duy, đối với miền Trung Tây Nguyên, trước bối cảnh các hệ sinh thái tại địa phương đang nổi lên với các hoạt động tích cực cho khởi nghiệp sáng tạo, việc hình thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là cần thiết nhằm kết nối các nguồn lực để lan tỏa những giá trị chung và điểm mạnh của miền Trung Tây Nguyên, giúp cho hệ sinh thái khu vực thu hút thêm nguồn lực của tập đoàn, doanh nghiệp và quốc tế. Cùng với đó, ông cũng chia sẻ thêm về các chức năng cũng như hoạt động chính của Trung tâm khi hoạt động tại Đà Nẵng - một trong 3 địa phương trọng điểm về khởi nghiệp sáng tạo của cả nước. Trung tâm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng cường liên kết vùng, liên kết với các sáng kiến, hoạt động gắn chặt với định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung; tạo thuận lợi chuyển dịch các nguồn lực, khai thác lợi thế bản địa ở từng địa phương cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Đức Việt